Thứ Sáu, 14 tháng 6, 2013

Hủ Tiếu Nam Vang

Hủ tiếu Nam Vang là món hủ tiếu có nguồn gốc từ Campuchia nhưng do người Hoa chế biến, nguyên liệu chính là hủ tiếu khô, nước dùng chính là thịt bằm nhỏ, lòng heo nấu cùng. Sau đó trụng sơ mì với nước dùng sau đó cho các nguyên liệu phụ vào như giá, hẹ, thịt bằm cùng lòng heo vào. Đây được xem là món ăn mà ai khi đến Campuchia cũng phải thưởng thức. Tùy theo khẩu vị của từng người, có thể thay thế lòng heo bằng tôm, cua, mực v.v. nhưng nhất thiết phải có thịt bằm. Không giống như hủ tiếu Trung Hoa và hủ tiếu Mỹ Tho của Việt Nam, hủ tiếu Nam Vang có vị ngọt của nước lèo chính là thịt bằm nhỏ khá đặc biệt.

Nguyên liệu
Nguyên liệu làm hủ tiếu Nam Vang bao gồm hủ tiếu, các thành phần làm nước dùng (nước lèo), các thành phần cho vào tô hủ tiếu, các loại rau ăn kèm. Dưới đây là một công thức cho món hủ tiếu Nam vang với các thành phần và tỷ lệ cơ bản:
Xương heo (khoảng 1.5 kg); tôm thẻ (1/2 kg); gan heo (300g); thịt heo xay (300g); tôm khô (khoảng 1 nắm nhỏ); khô mực (1 con cỡ vừa); hủ tiếu bột lọc (có người gọi là hủ tiếu dai); dầu ăn; 1 củ tỏi; 4 tép hành lá; chanh; ngò ta (ngò gai); lá hẹ; giá đỗ; cần tây; rau tần ô; đường, muối, bột ngọt (nếu thích),
hủ tiếu nam vang,hủ tiếu

Quy trình thực hiện
Nấu nước lèo: Xương heo (nếu là xương ống thì trong hơn) trụng sơ nước sôi, đổ ra rửa sạch. Bắt 1 nồi nước khác lên đợi sôi rồi để xương vào, sau đó để 1 tí muối, đường phèn, khô mực nướng vừa chín xé làm bốn và tôm khô rửa sạch cùng bỏ vào nồi nước súp hầm với xương. Bỏ củ cải và cà rốt cắt khúc vào hầm mềm luôn. Sau đó nêm với đường, muối, bột ngọt, cho vừa ăn.
Gan heo: Đem luộc với một tí muối, khi chín vớt ra để nguội quấn trong cling phim khi nào ăn hãy xắt nếu không nó bị khô.

Tôm: Lột vỏ (chừa đuôi tôm lại), sau đó cắt ở sống lưng tôm, lấy chỉ đen ra.
Tỏi bằm ra cho thật nhỏ, bắt một cái nồi nhỏ lên bếp, để đầu vào, khi dầu sôi thì tỏi vào, lấy đũa quậy đều cho đến khi tỏi vừa hơi vàng thì tắt lửa và đem xuống khỏi lò (Khi đó dầu còn đang nóng sẽ làm cho tỏi vàng thêm tí nữa, nếu còn để trên bếp sẽ làm tỏi bị đen).
Thịt heo xay: Trộn thịt heo cho chút nước súp, bắt lên chảo xào cho đến khi ráo nước.
Rau: Cần tây, hẹ cắt khúc. Ớt tươi cắt mỏng, chanh cắt để ra dĩa cùng với giá, cần tây, rau tần ô, ngò gai, rau xà lách.

Luộc hủ tiếu và cho vào một cái tô sau đó cho chút tỏi phi vào trộn đều cho khỏi dính sau đó xếp lên tô: gan heo, tôm, thịt heo xaỵ, trứng cút. Nước súp đang sôi, để vào tô sau đó thì để lá hẹ, hành, ngò và và tỏi chấy lên trên mặt tô.

Khi nồi nước súp hoàn thành thì bỏ vào 1,2 muỗng tỏi phi thơm.
Tôm (thêm mực nếu thích tùy người) cho chút nước súp vào một nồi nhỏ nấu chín và sắp vào tô lấy nước luộc tôm mực đó cho vào luôn tô hủ tiếu.Ngoài gan heo có thể thêm cật và tim hủ tiều chính gốc tại Nam Vang (Phnôm Pênh).

Hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho và hủ tiếu của người Hoa có sự khác biệt rất rõ rệt. Nếu như hủ tiếu Nam Vang tôn trọng phụ liệu chính là lòng heo thì hủ tiếu Mỹ Tho lại có thêm tôm, mực, hải sản, ốc.Còn hủ tiếu Trung Hoa lại có vị béo của nước béo và thơm thơm của xì dầu. Dần dần, hủ tiếu Nam Vang dần mất đi cái gốc của nó, vì vậy muốn ăn hủ tiếu Nam Vang chỉ có đến Nam Vang (Phnôm Pênh) mới đúng gốc.
Read more »

Thứ Năm, 13 tháng 6, 2013

Cá Kèo Nướng Ống Tre

Cá kèo được xem là đặc sản của người miền Tây. Nhiều món ăn dân giã như lẩu cá kèo, cá kèo kho khô, gỏi cá kèo khô…đã trở nên rất đỗi thân quen. Nhưng nếu chưa một lần thưởng thức qua món cá kèo nướng ống tre, chắc chắn bạn chưa cảm nhận dư vị thơm ngon của loại cá đặc biệt này.

cá kèo nướng ống tre,cá kèo nướng

Sinh trưởng trong những vùng bãi bồi nước lợ vùng đồng bằng sông Cửu Long, cá kèo được coi là loại cá đặc sản của người dân miền Tây.

Hằng năm cứ vào mùa mưa, những hang ổ trú ngụ bị ngập nước, cá kèo bơi trồi khắp các kênh rạch, lúc này là mùa đánh bắt cá kèo rộ nhất trong năm. Cá kèo có dáng bơi khá đặc biệt, không chìm trong nước như các loại cá khác mà đầu cứ nổi lên khỏi mặt nước, thân dựng đứng dưới nước nên đồng bào miền Tây có câu thành ngữ vui “ngồi hạng ghế cá kèo” để tả cảnh đi coi hát mà không có ghế ngồi, phải đứng.

Tuy có rất nhiều ngoài tự nhiên và bây giờ đã được nuôi nhiều, nhưng cá kèo vẫn luôn là loại cá đắt tiền so với những giống cá xuất thân đồng ruộng khác. Có lẽ bởi thịt cá kèo rất ngon, lại chế biến được nhiều món bắt cơm như nấu canh chua, nướng, chiên, kho tộ, nấu lẩu chua cùng lá giang…

Ngoài các món thông thường, người miền Tây có món cá kèo nướng ống tre rất độc đáo. Những ống tre già được cắt khúc giữ lại hai đầu mấu hai bên rồi được bổ làm hai theo chiều dọc. Lót một ít rau răm dưới ống tre, đổ lên một chút dầu ăn để khi chín cá không bị dính thịt vào ống và giúp cá thấm gia vị, thêm vị béo.

cá kèo nướng muối ớt,cá kèo nướng

Cá kèo thả trong nước đá một lúc là chết, chỉ việc ướp thêm một chút tỏi, ớt, muối và chút xíu đường… vừa phải rồi đậy nửa ống tre kia lại, dùng dây kẽm siết chặt để cá không bị đổ ra ngoài. Lúc này chỉ việc bỏ ống tre cá kèo lên bếp than củi đang đỏ lửa, nướng trong 15 phút, thỉnh thoảng trở đều là cá chín.

Phần ngoài ống tre có bị cháy cũng không sao, vì tới khi cá chín phải rất lâu ống tre mới bị cháy tới phần đựng cá. Nước tre sôi xèo xèo hai bên đầu ống tạo cảm giác khá thú vị. Ống cá bắc khỏi bếp, vừa mở dây kẽm ra, một mùi thơm quyến cũ theo khe hở ống tre bốc lên như mời gọi mọi người mau thưởng thức.

Những con cá kèo đã chín toàn thân ướp màu đỏ của ớt bằm và màu xanh của rau răm trông rất bắt mắt.

Đặc biệt, mùi thơm của nước tre tiết ra từ ống quyện cùng các gia vị thấm vào con cá kèo làm món cá nướng ống tre có vị rất lạ. Thêm mùi thơm của rau răm, thứ rau hợp với cá kèo một cách kỳ lạ… Tất cả làm nên món cá kèo nướng ống tre ăn kèm cùng cơm ngon tuyệt.
Read more »

Bánh Xèo

Bánh xèo là một loại bánh Việt Nam, có bột bên ngoài, bên trong có nhân là tôm, thịt, giá đỗ, được rán màu vàng, đúc thành hình tròn hoặc gấp lại thành hình bán nguyệt. Tuỳ theo từng địa phương tại Việt Nam mà bánh được thưởng thức với nét đặc trưng riêng. Thường có 2 phong cách: đổ bánh xèo giòn và bánh xèo dai.

Tại Huế, món ăn này thường được gọi là bánh khoái và thường kèm với thịt nướng, nước chấm là nước lèo gồm tương, gan, lạc. Tại miền Nam Việt Nam, bánh có cho thêm trứng và người ta ăn bánh xèo chấm nước mắm chua ngọt. Tại miền Bắc Việt Nam, nhân bánh xèo ngoài các thành phần như các nơi khác còn thêm củ đậu thái mỏng hoặc khoai môn thái sợi.

Các loại rau ăn kèm với bánh xèo rất đa dạng gồm rau diếp, cải xanh, rau diếp cá, tía tô, rau húng, lá quế, lá cơm nguội non... Ở Cần Thơ có thêm lá chiết, ở Đồng Tháp thêm lá bằng lăng, ở Vĩnh Long có thêm lá xoài non, ở Bạc Liêu có thêm lá cách. Cầu kỳ nhất là ở các vùng miền Trung Việt Nam, ngoài rau sống, còn thêm quả vả chát, khế chua .. Bởi vậy, dân sành ăn cứ thấy ngờ ngợ như món này thực sự được bắt nguồn từ Huế.

Bánh xèo Phan Thiết khác với bánh xèo ở những nơi khác là bánh nhỏ chỉ bằng cái lòng chén và không cuốn với rau xà lách mà thả vào tô nước mắm chín (nước mắm đã được giã với tỏi và ớt). Trên đường Tuyên Quang có nhiều quán bánh xèo rất ngon nên còn có tên là "phố bánh xèo".
Hoa sen tuy ở giữa chốn bình dị nhưng vẫn thể hiện sự thanh khiết, cao quí. Từ ý nghĩa đó, "bánh xèo hoa sen" tại Sài Gòn là một món ăn mới mà nghệ nhân Mười Xiềm đã chăm chút sáng tạo. Kết hợp nguyên liệu truyền thống cùng hạt sen, ngó sen, củ sen càng làm cho chiếc bánh xèo đậm đà tình quê. Bên cạnh đó, bánh xèo A Phủ, bánh xèo Đinh Công Tráng vẫn giữ được hương vị và phong cách riêng trên hai mươi năm qua.

bánh xèo

Bột gạo,nước cốt dừa, nghệ tươi ,gạo lúa thơm (gạo nàng Nhen-một loại gạo có tiếng của nông dân Campuchia) ngâm nước cho nở. Xong cho nghệ tươi (bánh sẽ ngon hơn so với dùng nghệ khô) hoặc nghệ bột (nếu là bột nghệ thì xay gạo xong hãy cho vào trộn chung với hỗn hợp gạo xay nhuyễn) vào, xay nhuyễn hỗn hợp bột gạo ngâm nở với nghệ tươi cắt nhỏ (có nơi dùng cối đá để xay).

Kế tiếp cho nước cốt dừa khô (dừa khô nạo nhuyễn cho nước ấm vào bóp sơ rồi vắt nước) vào hỗn hợp với bột đã xay xong, để khoảng 30 phút. Trước khi đổ bánh cho hành lá cắt nhỏ (khoảng 5 mm) vào hỗn hợp bột, trộn đều.

Phần nhân bánh gồm thịt ba rọi (thịt ba chỉ), khi luộc cho chút muối vào nồi, thái mỏng tôm (có thể thay thế bằng tép đồng) rồi xào sơ và cho chút muối với bột ngọt, đậu xanh đãi vỏ luộc chín (hoặc đậu xanh cà bỏ vỏ nấu vừa chín tới), giá, đậu xanh (có nơi dùng củ hũ dừa, là phần lõi non trên đầu của cây dừa, xắt nhuyễn).

Dùng chảo to để chiên bánh, trước khi đổ bột vào dùng một ít mỡ heo thoa đều cả chảo, rồi dùng giá múc một muỗng bột đổ vào chảo (trước khi cho bột vào hãy vặn lửa nhỏ, rồi sau khi cho bột vào mới vặn lửa to), sau đó dùng bắc nồi nghiêng chảo sao cho bột tráng đều chảo thành một hình tròn (lớp bột càng mỏng bánh càng giòn), đậy nắp lại đến khi bột hơi chín thì cho nhân vào phần giữa, đậy nắp lần nữa và chờ vài giây là bánh đã chín giòn.

Nước mắm để chấm với bánh xèo phải dùng nước mắm ngon pha với nước, nước cốt chanh (để ngon không nên dùng giấm), đường cát, một ít bột ngọt, cà rốt thái nhuyễn, ít ớt bằm nếu ăn cay.
Bánh xèo ăn bằng cách cuốn với rau bẹ rộng, thêm rau sống và chấm với nước mắm chua ngọt.
Read more »

Cơm Gà Phố Hội

“Cơm gà” là một món đặc sản của xứ Quảng mà nếu có dịp ghé qua thì bạn nên thưởng thức.


Chưa ăn cơm gà xem như chưa tới đất Quảng. Cách nói có phần cường điệu ấy có lẽ xuất phát từ lòng tự hào khi đề cập đến cơm gà – một thứ hương vị quê nhà đậm đà, khó quên của người dân phố Hội. Thế nhưng tiếng thơm của món cơm gà ấy còn được tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet đánh giá là: “Một món ăn đậm đà hương vị, một điều gì đó khiến những người yêu thích món gà phải ghé thử một lần…”

Cái đặc biệt của món cơm gà xứ Hội bắt nguồn từ nét riêng của cách chế biến thịt gà theo “gu” miền Trung, nghĩa là gà xé nhỏ, bóp thấm với hành tây, rau răm và gia vị. Cái khéo của người làm là khiến miếng thịt mang hương vị thơm thơm, cay cay nhưng vẫn không bở thịt và mất mùi gà.



Cái đặc biệt của món cơm gà xứ Hội bắt nguồn từ nét riêng của cách chế biến thịt gà theo “gu” miền Trung, nghĩa là gà xé nhỏ, bóp thấm với hành tây, rau răm và gia vị. Cái khéo của người làm là khiến miếng thịt mang hương vị thơm thơm, cay cay nhưng vẫn không bở thịt và mất mùi gà.

Có một cách khác làm món cơm gà, nhưng người vùng Tam Kỳ - Quảng Nam hay Đà Nẵng mới thường chế biến theo cách này. Thịt gà không chỉ luộc, xé sợi mà được chặt thành từng miếng vừa phải, chiên vàng giòn. Cơm có màu cam đỏ của trái gấc chín trông rất bắt mắt. Và theo đúng điệu “con gà cục tác lá chanh”, món ăn được trình bày kèm lá chanh xắt nhuyễn. Cách này gần giống “gu” miền Bắc, nhưng không vì thế mà đĩa cơm gà mất “chất” Trung với những hạt cơm đỏ cam nấu từ nước dùng gà, với hương vị riêng của đĩa đu đủ muối chua kết hợp với tương ớt và xì dầu.

Cơm gà thật sự là một món ăn ngon đặc trưng của vùng Quảng Nam-Đà Nẵng, được bán nhiều trên các ngả phố...Với các quán cơm và gánh cơm nổi tiếng như cơm gà bà Bụi, cơm gà bà Minh, cơm gà kiệt Cika ở Hội An hay cơm gà Hồng Ngọc, Hải ở Đà Nẵng... Người ăn đến đây để thưởng thức món cơm gà “chính gốc”, với đầy đủ gà xé, gà rô ti ăn kèm với hành tây, lá chanh, bạc hà, dưa chua đu đủ. Thưởng thức món “cơm gà Hội An” thì bất cứ ai dù kén ăn nhất cũng phải gật đầu khen ngon.
nguon: monngondanang.com
Read more »

Cao Lầu Hội An

Cao lầu là tên một món mỳ ở Hội An. Đây được xem là món ăn đặc sản của thị xã Hội An. Món mỳ này có sợi mỳ màu vàng, được dùng với tôm, thịt heo, các loại rau sống và rất ít nước dùng. Sợi mỳ màu vàng là do được trộn với tro một loại cây ở địa phương.

Cao lầu, món ăn độc đáo gắn liền với phố cổ Hội An. Mới nhìn cao lầu trông giống như mì, nhưng không phải mì. Người ta ít biết đến cao lầu không phải vì nó không ngon mà vì món ngon này khiêm nhường. Nhiều người cho rằng món này của người Hoa, nhưng Hoa kiều ở đây lại không công nhận nó. Còn người Nhật thì cho rằng nó giống mỳ udon của họ nhưng khác về hương vị và cách chế biến.
cao lầu hội an,cao lầu

Tinh túy của món cao lầu là sợi mì, thường được chế biến rất công phu. Đầu tiên, gạo thơm đem ngâm vào nước tro, mà phải là tro nấu củi lấy ở tận Cù lao Chàm, đảo cách Hội An 16 km, khi ngâm mới tạo ra được sợi mì có độ giòn, dẻo, và khô. Sau đó lọc kỹ, xay thành bột; nước xay gạo phải là nước ở giếng Bá Lễ do người Chăm làm cách đây cả ngàn năm, mới được nước ngọt, không bị phèn và mát lạnh. Tiếp tục dùng vải bòng nhiều lần cho bột dẻo, khô, cán thành miếng vừa cô, xắt thành từng sợi, đem hấp nhiều lần rồi phơi khô để làm sợi mì. Qua nhiều lần xử lý như vậy nên dù cao lầu có để qua đêm cũng không sợ ôi thiu.

Người ta thường ăn cao lầu với giá trụng nước sôi nhưng không được quá mềm. Thêm ít rau sống, được lấy ở làng rau truyền thống Trà Quế nổi tiếng ở Hội An. Giá trụng đổ ra tô, xếp mì lên trên, thêm vài lát thịt xíu rồi đổ tép mỡ (da heo chiên giòn) và một muỗng mỡ heo rán để sẵn bên lò nước. Với thịt xíu, chỉ dùng thịt heo cỏ, thịt săn chắc, thơm, vừa mỏng da vừa nhiều nạc và nước của nó mới có vị ngọt. Khi ăn, cao lầu cho cảm giác sựt sựt của sợi mì, đủ mùi vị chua, cay, đắng, chát, ngọt của rau sống, hương vị của mắm, bột thơm, nước tương... và tép mỡ vỡ tan trong miệng.

Nhiều người cũng có tham vọng làm cao lầu ở nơi khác, nhưng tất cả đều thất bại. Có người nói rằng chính nước giếng Bá Lễ và tro của cù lao Chàm và rau sống Trà Quế mới làm nên món ẩm thực đặc trưng này.

Một đặc trưng khác của cao lầu là muốn ăn món này phải leo lên lầu cao của quán. Khi xưa các doanh nhân buôn bán nơi phố cảng vì muốn trông coi hàng hóa của mình nên thường leo lên lầu cao của quán. Điều này có thế thấy ở các quán cao lầu Hội An. Ngồi trên lầu cao ngắm cảnh đẹp và thưởng thức món ngon, đây có thể là xuất phát của tên gọi cao lầu.
Ngày nay cao lầu có ở Pháp, Anh, Úc hay Hà Nội, Đà Nẵng, Sài Gòn nhưng nhiều người ăn vào vẫn thấy như không phải. Thậm chí cao lầu được làm ở Hội An, gửi máy bay đến các nơi nhưng dường như ăn ở Hội An thì mới đúng điệu cao lầu.
Read more »

GIới Thiệu Về Ẩm Thực Việt Nam

Ẩm thực Việt Nam là cách gọi của phương thức chế biến món ăn, nguyên lý pha trộn gia vị và những thói quen ăn uống nói chung của mọi người Việt trên đất nước Việt Nam. Tuy hầu như có ít nhiều có sự khác biệt, ẩm thực Việt Nam vẫn bao hàm ý nghĩa khái quát nhất để chỉ tất cả những món ăn phổ biến trong cộng đồng các dân tộc thiểu số nhưng đã tương đối phổ thông trong cộng đồng người Việt.

Đặc điểm

Đặc điểm chung
Việt Nam là một nước nông nghiệp thuộc về xứ nóng, vùng nhiệt đới gió mùa. Ngoài ra lãnh thổ Việt Nam được chia ra ba miền rõ rệt là Bắc, Trung, Nam. Chính các đặc điểm về địa lý, văn hóa, dân tộc, khí hậu đã quy định những đặc điểm riêng của ẩm thực từng vùng - miền. Mỗi miền có một nét, khẩu vị đặc trưng. Điều đó góp phần làm ẩm thực Việt Nam phong phú, đa dạng. Đây là một văn hóa ăn uống sử dụng rất nhiều loại rau (luộc, xào, làm dưa, ăn sống); nhiều loại nước canh đặc biệt là canh chua, trong khi đó số lượng các món ăn có dinh dưỡng từ động vật thường ít hơn. Những loại thịt được dùng phổ biến nhất là thịt lợn, bò, gà, ngan, vịt, các loại tôm, cá, cua, ốc, hến, trai, sò v.v. 
bún chả hà nội,bún chả

Những món ăn chế biến từ những loại thịt ít thông dụng hơn như thịt chó, thịt dê, thịt rùa, thịt rắn, thịt ba ba... thường không phải là nguồn thịt chính, nhiều khi được coi là đặc sản và chỉ được sử dụng trong một dịp liên hoan nào đó với rượu uống kèm. Người Việt cũng có một số món ăn chay theo đạo Phật được chế biến từ các loại thực vật, không có nguồn thực phẩm từ động vật. Tuy nhiên, trong cộng đồng thì lại có rất ít người ăn chay trường, chỉ có các sư sãi trong các chùa hoặc người bị bệnh nặng buộc phải ăn kiêng.

Một đặc điểm ít nhiều cũng phân biệt ẩm thực Việt Nam với một số nước khác: ẩm thực Việt Nam chú trọng ăn ngon tuy đôi khi không đặt mục tiêu hàng đầu là ăn bổ. Bởi vậy trong hệ thống ẩm thực người Việt ít có những món hết sức cầu kỳ, hầm nhừ ninh kỹ như ẩm thực Trung Hoa, cũng không thiên về bày biện có tính thẩm mỹ cao độ như ẩm thực Nhật Bản, mà thiên về phối trộn gia vị một cách tinh tế để món ăn được ngon, hoặc sử dụng những nguyên liệu dai, giòn thưởng thức rất thú vị dù không thực sự bổ béo (ví dụ như các món măng, chân cánh gà, phủ tạng động vật ...).
Trong thực tế nhiều người nhận thấy, một cách cảm tính, đặc trưng ẩm thực Việt Nam toát lộ trong sự đối sánh với các nền văn hóa ẩm thực khác trên thế giới: món ăn Trung Hoa ăn bổ dưỡng, món ăn Việt ăn ngon miệng, món ăn Nhật nhìn thích mắt. Tuy nhiên, đặc điểm này ngày càng phai nhòa trong thời hội nhập.

Theo ý kiến của tiến sĩ sử học Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, cho rằng ẩm thực Việt Nam có 9 đặc trưng:
Tính hoà đồng hay đa dạng
Tính ít mỡ.
Tính đậm đà hương vị
Tính tổng hoà nhiều chất, nhiều vị.
Tính ngon và lành
Tính dùng đũa.
Tính cộng đồng hay tính tập thể
Tính hiếu khách, và
Tính dọn thành mâm.
Nguyên tắc phối hợp
Ẩm thực Việt Nam đặc trưng với sự trung dung trong cách pha trộn nguyên liệu không quá cay, quá ngọt hay quá béo. Các nguyên liệu phụ (gia vị) để chế biến món ăn Việt Nam vô cùng phong phú, bao gồm:

Nhiều loại rau thơm như húng thơm, tía tô, kinh giới, hành, thìa là, mùi tàu v.v.;
Gia vị thực vật như ớt, hạt tiêu, sả, hẹ, tỏi, gừng, chanh quả hoặc lá non;
Gia vị lên men như mẻ, mắm tôm, bỗng rượu, dấm thanh hoặc kẹo đắng, nước cốt dừa...
Khi thưởng thức các món ăn, tính chất phối trộn nguyên liệu một cách tổng hợp nói trên càng trở nên rõ nét hơn: người Việt ít khi ăn món nào riêng biệt, thưởng thức từng món, mà một bữa ăn thường là sự tổng hòa các món ăn từ đầu đến cuối bữa. 

Một nét đặc biệt khác của ẩm thực Việt Nam mà các nước khác, nhất là nước phương Tây không có chính là gia vị nước mắm. Nước mắm được sử dụng thường xuyên trong hầu hết các món ăn của người Việt. Ngoài ra còn có các loại nước chấm như tương bần, xì dầu (làm từ đậu nành). Bát nước mắm dùng chung trên mâm cơm, từ xưa đến nay làm khẩu vị đậm đà hơn, món ăn có hương vị đặc trưng hơn và biểu thị tính cộng đồng gắn bó của người Việt.

Ẩm thực Việt Nam tuân theo hai nguyên lý là Âm dương phối triển và Ngũ hành tương sinh.
Âm dương phối triển
Các gia vị đặc trưng của các dân tộc Đông Nam Á nhiệt đới nói trên được sử dụng một cách tương sinh hài hòa với nhau, như món ăn dễ gây lạnh bụng (tính hàn) buộc phải có gia vị cay nóng (tính nhiệt) đi kèm và ngược lại. Các nguyên liệu tính nóng (ấm) phải được nấu cùng nguyên liệu tính lạnh (mát) để tạo sự cân bằng cho món ăn.

Các món ăn kỵ nhau không thể kết hợp trong một món hay không được ăn cùng lúc vì không ngon, hoặc có khả năng gây hại cho sức khỏe cũng được dân gian đúc kết thành nhiều kinh nghiệm lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ví dụ:

Thịt vịt tính "lạnh", thích hợp ăn vào mùa hè với nước mắm gừng, tính "nóng". Mặt khác, thịt gà và thịt lợn tính "ấm" thích hợp ăn vào mùa đông (trước đây thường chỉ khi đến Tết mới làm thịt lợn, thịt gà).

Thủy sản các loại từ "mát" đến "lạnh" rất thích hợp để sử dụng với gừng, sả, tỏi("ấm").
Thức ăn cay ("nóng") thường được cân bằng với vị chua, được coi là ("mát")
Trứng vịt lộn ("lạnh"), phải kết hợp với rau răm ("nóng").
Bệnh nhân cúm và cảm lạnh phải uống nước gừng, xông bằng lá sả, lá bưởi ("nóng").


Đặc điểm theo vùng miền, dân tộc
Tuy có những nét chung nói trên, ẩm thực Việt Nam có đặc điểm khác nhau theo từng vùng, mặc dù trong từng vùng này ẩm thực của các tiểu vùng cũng thể hiện nét đặc trưng:

Ẩm thực miền Bắc
Ẩm thực miền Bắc thường không đậm các vị cay, béo, ngọt bằng các vùng khác, chủ yếu sử dụng nước mắm loãng, mắm tôm. Sử dụng nhiều món rau và các loại thủy sản nước ngọt dễ kiếm như tôm, cua, cá, trai, hến v.v. và nhìn chung, do truyền thống xa xưa có nền nông nghiệp nghèo nàn, ẩm thực miền Bắc trước kia ít thịnh hành các món ăn với nguyên liệu chính là thịt, cá. Nhiều người đánh giá cao Ẩm thực Hà Nội một thời, cho rằng nó đại diện tiêu biểu nhất của tinh hoa ẩm thực miền Bắc Việt Nam với những món phở, bún thang, bún chả, các món quà như cốm Vòng, bánh cuốn Thanh Trì v.v. và gia vị đặc sắc như tinh dầu cà cuống, rau húng Láng.

Ẩm thực miền Nam
Ẩm thực miền Nam, là nơi chịu ảnh hưởng nhiều của ẩm thực Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, có đặc điểm là thường gia thêm đường và hay sử dụng sữa dừa (nước cốt và nước dão của dừa). Nền ẩm thực này cũng sản sinh ra vô số loại mắm khô (như mắm cá sặc, mắm bò hóc, mắm ba khía v.v.). Ẩm thực miền Nam cũng dùng nhiều đồ hải sản nước mặn và nước lợ hơn miền Bắc (các loại cá, tôm, cua, ốc biển), và rất đặc biệt với những món ăn dân dã, đặc thù của một thời đi mở cõi, hiện nay nhiều khi đã trở thành đặc sản: chuột đồng khìa nước dừa, dơi quạ hấp chao, rắn hổ đất nấu cháo đậu xanh, đuông dừa, đuông đất hoặc đuông chà là, vọp chong, cá lóc nướng trui v.v.

Ẩm thực miền Trung
Đồ ăn miền Trung với tất cả tính chất đặc sắc của nó thể hiện qua hương vị riêng biệt, nhiều món ăn cay và mặn hơn đồ ăn miền Bắc và miền Nam, màu sắc được phối trộn phong phú, rực rỡ, thiên về màu đỏ và nâu sậm. Các tỉnh thành miền Trung như Huế, Đà Nẵng, Bình Định rất nổi tiếng với mắm tôm chua và các loại mắm ruốc. Đặc biệt, ẩm thực Huế do ảnh hưởng từ phong cách ẩm thực hoàng gia, cho nên rất cầu kỳ trong chế biến và trình bày. Một mặt khác, do địa phương không có nhiều sản vật mà ẩm thực hoàng gia lại đòi hỏi số lượng lớn món, nên mỗi loại nguyên liệu đều được chế biến rất đa dạng với trong nhiều món khác nhau.

Ẩm thực các dân tộc thiểu số Việt Nam
Với 54 dân tộc sống trên nhiều vùng địa lý đa dạng khắp toàn quốc, ẩm thực của mỗi dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đều có bản sắc riêng biệt. Rất nhiều món trong số đó ít được biết đến tại các dân tộc khác, như các món thịt lợn sống trộn phèo non của các dân tộc Tây Nguyên. Tuy nhiên, nhiều món ăn đã trở thành đặc sản trên đất nước Việt Nam và được nhiều người biết đến, như mắm bò hóc miền Nam, bánh cuốn trứng (Cao Bằng, Lạng Sơn), bánh coóng phù (dân tộc Tày), lợn sữa và vịt quay móc mật, khau nhục Lạng Sơn, phở chua, cháo nhộng ong, phở cốn sủi, thắng cố, các món xôi nếp nương của người Thái, thịt chua Thanh Sơn Phú Thọ v.v.

Ẩm thực Việt Nam trên thế giới
Theo bước chân của người Việt đến khắp thế giới, ẩm thực Việt với tất cả những nét đặc sắc của nó dần được biết tới nhiều ở các nước khác như Hàn Quốc, Lào, Trung Quốc và các nước châu Âu có cộng đồng người Việt ngụ cư. Có thể dễ dàng tìm thấy các tiệm ăn Việt Nam ở Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Úc, Cộng hoà Séc, Đức, Ba Lan và Nga. Các món ăn thuần Việt như phở, nem rán và các loại hương liệu đặc biệt như mắm tôm, rau húng rất phổ biến ở những vùng có đông người châu Á, trong đó có người Việt, sinh sống. Tuy nhiên ẩm thực Việt Nam tại các nước trên thế giới đã ít nhiều lai tạp với ẩm thực bản địa, hoặc đã gia giảm, thay đổi để phù hợp hơn với khẩu vị của cộng đồng dân cư khắp thế giới.
Read more »

Bún Chả Hà Nội

Bún chả là món ăn Hà Nội, ở một phương diện nào đó khá tương tự món bún thịt nướng Huế.

Nguyên liệu và cách thức chế biến 

Bún chả thường có có cùng một lúc hai loại chả: Chả viên và chả miếng. Chả viên được làm từ thịt nạc vai lợn băm thật nhuyễn nặn viên, ướp trộn với muối, tiêu, nước mắm trên 35 độ đạm, đường, hành khô băm thật nhuyễn, dầu thực vật hoặc mỡ nước. Tùy vào độ tươi của thịt, sau khi trộn gia vị nếu thấy thịt có vẻ hơi khô thì cho thêm một chút dầu sao cho miếng thịt dễ dàng kết dính khi vo nắn thành miếng cỡ 2 ngón tay rồi nhấn cho hơi dẹp lại. Nếu thích cầu kỳ hơn thì gói ngang mỗi miếng chả là một lần lá chuối rồi mới nướng, miếng chả sẽ không bị sạm và thơm hơn. Dùng thịt nạc vai để làm món chả là một lựa chọn tinh tế đã có truyền thống vì nạc vai chắc thịt nhưng không có sớ nhiều như thịt đùi, không mềm như thịt mông...điều này làm cho miếng thịt khi băm nhuyễn rồi nắn lại, miếng chả chắc hơn là dùng những phần thịt khác.

bún chả hà nội,bún chả

Còn chả miếng thường dùng thịt ba chỉ (ba rọi) thái mỏng ướp gia vị tương tự chả viên và nướng vàng trên than củi. Tuỳ theo khẩu vị của mỗi người, có thể gọi toàn chả miếng hoặc chả viên để ăn cùng Bún chả. Thịt miếng thường được lọc bỏ bì (da) để khi nướng không bị cứng và khét. Nếu dùng thịt nạc quá (thịt mông, thịt thăn) khi nướng sẽ không ngon vì chả bị khô và cứng
Thịt sau khi ướp được xếp vào xiên hoặc vỉ, nướng trên than củi. Khi thịt chín thơm và ngậy mùi, cho vào bát nước mắm pha loãng có đầy đủ gia vị ngọt, chua, cay, cùng với su hào (hoặc đu đủ xanh), cà rốt trộn dấm. Có thể vừa ăn vừa húp được, ăn cùng với bún và rau sống (gồm rau xà lách, rau thơm, húng Láng, kinh giới, tía tô, rau giá).


Ngày nay, bún trong bún chả là bún rối. Nhưng bún con (từng vắt bún nhỏ cuộn chặt, vừa một lần gắp) mới là nguyên liệu truyền thống. Những hàng bún chả bán rong với nước mắm thoảng chút hương cà cuống và những lá bún là một phần của Hà Nội xưa, được nhiều nhà văn như Vũ Bằng, Thạch Lam ca ngợi.

Cách làm bún chả đơn giản, nhưng để làm được bát bún chả ngon còn phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và bí quyết gia truyền, đặc biệt quan trọng là cách pha nước chấm. Điều này giải thích vì sao ăn bún chả Hà Nội sẽ khác hẳn so với ăn món này ở nhiều nơi khác.
Nhiều hàng quà này ở Hà Nội kết hợp bán bún chả với nem cua bể và món bún chả thường được thưởng thức với bia hơi.

Ngày nay - người Hà Nội thường chỉ ăn bún chả vào bữa trưa, và đôi khi, vào bữa chiều, còn ở TP Hồ Chí Minh, bún chả có thể được thưởng thức vào tất cả các bữa trong ngày.
Bún chả trong văn học 

Trong cuốn 36 phố phường Hà Nội, Thạch Lam đã viết về sự hấp dẫn của món bún chả như sau:
“...Có một ông đồ cuồng chữ ở nhà quê, một hôm khăn gói lên Hà Nội đã ứng khẩu đọc hai câu thơ khi ngửi thấy mùi khói chả:
Ngàn năm bửu vật đất Thăng Long.
Bún chả là đây có phải không?..."
Read more »